Kỹ năng Speaking trong bài thi IELTS luôn là phần khó nhằn với các thí sinh mới bắt đầu và đang luyện thi IELTS.
Do đó hôm nay IELTS sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan nhất về phần thi IELTS Speaking và phương pháp tự học Speaking IELTS cho người mới bắt đầu hiệu quả để bạn có thể đạt được điểm thi cao nhất.
Cấu trúc bài thi IELTS Speaking
Đối với cả hai dạng thí sinh lựa chọn thi IELTS trên giấy và IELTS trên máy tính, bài thi Speaking trước đây chỉ có dạng nói trực tiếp (face-to-face), tuy nhiên những năm gần đây vì lý do bệnh dịch nên đã có một số đợt IELTS Speaking được tổ chức thi qua hình thức thí sinh sẽ đến cơ sở thi và được video call với giám khảo. Tuy nhiên, dạng face-to-face vẫn được ưa chuộng hơn.
Cấu trúc bài thi IELTS Speaking bao gồm ba phần. Bạn sẽ có thể chuẩn bị tốt hơn nếu biết rõ mình sẽ phải làm gì trong từng phần thi.
IELTS Speaking Part 1
Trong IELTS Speaking Part 1, bạn sẽ có một cuộc đối thoại với giám khảo trong vòng 4 đến 5 phút, chủ đề phần này chỉ xoay quanh bản thân bạn, ví dụ như:
- Study or work (học hành hoặc làm việc)
- Family (gia đình)
- Daily life (đời sống thường ngày)
- Personal interests (sở thích cá nhân)
IELTS Speaking Part 2
Trong phần IELTS Speaking Part 2, bạn sẽ được giám khảo phát cho một mẩu thẻ có chủ đề – cue card, giấy nháp và bút chì. Bạn sẽ có 1 phút để để chuẩn bị câu trả lời, sau đó bạn sẽ nói về chủ đề đó trong 2 phút.
IELTS Speaking Part 3
Khi đến IELTS Speaking Part 3, giám khảo sẽ hỏi bạn những câu hỏi chi tiết hơn liên quan đến chủ đề được đã đưa ra trong part 2. Bạn sẽ mất khoảng 4 đến 5 phút để hoàn thành phần này.
Xem thêm: Khóa học IELTS nhóm cấp tốc chỉ từ 6-8 bạn và IELTS 1 kèm 1
Các tiêu chí chấm điểm IELTS Speaking
Trong phần thi IELTS Speaking, điểm của bạn sẽ được đánh giá dựa trên 4 tiêu chí bao gồm:
- Pronunciation – Phát âm
- Fluency & Coherence – Độ trôi chảy và mạch lạc
- Lexical Resource – Vốn từ vựng
- Grammatical Range & Accuracy – Ngữ pháp đa dạng và chính xác
Vietop English có những bài viết riêng, chi tiết hơn về các tiêu chí trên và một số cách để giúp bạn đạt điểm như ý muốn trong từng tiêu chí, mời các bạn tham khảo qua: Thang điểm IELTS | Cách tính điểm IELTS chuẩn nhất mà ít ai biết!
Dưới đây là một số thông tin cơ bản, bạn có thể tham khảo:
Grammatical Range and Accuracy (Sử dụng ngữ pháp đa dạng & chính xác) | Pronunciation (Phát âm) | Lexical Resource (Từ vựng) | Fluency & Coherence (Độ trôi chảy & mạch lạc) |
Đánh giá khả năng sử dụng các cấu trúc câu trong bài thi: bao gồm khả năng sử dụng câu đơn, câu ghép, câu phức một cách chính xác và có sự đa dạng về câu trúc. | Đánh giá khả năng phát âm các nguyên âm, phụ âm một cách chính xác, nhấn đúng trọng âm, có ngữ điệu, không nói quá nhanh hay quá chậm và ngắt nghỉ đúng chỗ. | Đánh giá khả năng sử dụng vốn từ vựng phong phú và chính xác khi trình bày các chủ đề khác nhau, khả năng giải thích giải thích về một khái niệm mà bạn không biết chính xác bằng tiếng Anh. | Đánh giá khả năng nói liên tục trong khoảng thời gian dài, khả năng câu trả lời với độ dài phù hợp và đúng trọng tâm câu hỏi, có mở rộng và phát triển bằng cách giải thích hoặc có ví dụ minh họa tích hợp, giúp người nghe dễ hiểu. |
Những việc cần làm để cải thiện kỹ năng Speaking cho người mới bắt đầu
1. Thái độ học tập
- Trước tiên, bạn phải có được lý do cho việc mình học tiếng Anh để làm gì, ngoài việc tham dự bài thi IELTS. Nếu không có hứng thú thật sự trong việc học ngoại ngữ, việc học tiếng Anh của bạn sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
- Tiếp đến, suy nghĩ của bạn về việc học tiếng Anh (nhất là với kỹ năng Speaking) không chỉ đơn thuần giống như các môn học ở trường. Ngôn ngữ là một công cụ giao tiếp. Bạn cần phải nhận ra rằng việc sử dụng công cụ này trong các tình huống giao tiếp rất quan trọng nếu bạn kỳ vọng mình sẽ tiến bộ.
- Bạn cũng cần nhận ra rằng để tiến bộ nhanh trong việc học tiếng Anh cần thời gian. Nếu bạn học tiếng Anh một cách vội vã gấp gáp, bạn sẽ không tiến bộ nhiều, dù cho mục đích học của bạn là gì đi chăng nữa.
2. Việc cần làm
Tập viết/ nói các câu tiếng Anh đúng ngữ pháp
Điều đầu tiên bạn cần làm là học cách viết/nói các câu sao cho đúng ngữ pháp. Dù rằng việc học ngữ pháp có thể sẽ rất chán với bạn, nhưng đó là điều cần thiết, nhất là khi bạn chỉ mới bắt đầu học tiếng Anh.
Nhại theo giọng người bản xứ trong các file ghi âm
Ngoài hai bước trên, việc nhại theo giọng người bản xứ trong các file ghi âm ở các tài liệu tiếng Anh sẽ giúp bạn cải thiện phát âm. Việc tiến bộ nhanh hay chậm sẽ tùy thuộc vào thời gian luyện tập và nền tảng phát âm của người đó có tốt hay không, tuy nhiên dù yếu hay giỏi đều cần thực hiện phương pháp này để cải thiện phát âm.
Nhại theo ở đây không chỉ đơn thuần là phát âm từng từ một. Nhại theo ở đây còn là về cách người bản xứ phát âm, chẳng hạn như cách đọc nối từ, cách nhấn âm một (hoặc nhiều) từ trong một câu, cách lên xuống giọng của họ trong bài nói.
Giao tiếp với người khác bằng tiếng Anh
Sau khi đã thực hành những phương pháp trên một thời gian, bạn cần tìm một (hoặc nhiều) người để luyện nói tiếng Anh cùng. Đây là giai đoạn quan trọng trong việc học tiếng Anh. Nếu bạn bỏ qua việc này trong quá trình học, bạn sẽ tiến bộ rất chậm so với những người khác chịu bỏ công sức theo phương pháp này.
Việc giao tiếp với người khác bằng tiếng Anh, sẽ giúp bạn nhận ra được những điểm mạnh và điểm yếu của bạn rõ ràng hơn, để từ đó về sau biết cần phải phát huy những điểm mạnh và khắc phục những điểm còn hạn chế trong quá trình giao tiếp tiếng Anh.
Xem thêm: Hướng dẫn cách học IELTS Speaking hiệu quả từ A – Z
Bạn cần chuẩn bị những gì khi tự học Speaking IELTS?
1. Tài liệu
Nếu bạn tìm được nguồn tài liệu hữu ích và đáng tin trong quá trình học sẽ giúp nâng cao vốn ngoại ngữ của người học. Trước khi học IELTS, có lẽ các bạn đều đã được học tiếng Anh theo các chương trình phổ thông nhưng để có thể giao tiếp trôi chảy và phát âm như người bản xứ thì đó là cả một quá trình cố gắng.
Nếu bạn đang trong quá trình chuẩn bị tự học IELTS thì nên tìm những tài liệu căn bản cho người mới bắt đầu, bạn có thể tham khảo những cuốn sách dưới đây nhé!
Cuốn Intensive IELTS Speaking
Về cơ bản, sách có 4 chương:
- Cái nhìn tổng quan về IELTS Speaking,
- Các kỹ năng cần có trong IELTS Speaking
- Bài học và các câu hỏi mở rộng theo từng chủ đề
- Từ vựng và cách diễn đạt trong phần thi nói của các bạn.
Cuốn Vocabulary for IELTS
Ngoài việc đọc các bài mẫu của cuốn sách Intensive IELTS Speaking, trau dồi vốn từ vựng cũng quan trọng đúng không nào? Đây là sách từ vựng nên cuốn sách này thích hợp cho 4 kỹ năng. Sách được chia làm 25 units, và 20 units đều là những chủ đề từ vựng giúp bạn có thể tìm hiểu và luyện tập, 5 units cuối là chia sẻ về cách học từ và áp dụng từ trong bài thi.
Cuốn Grammar for IELTS
Ngữ pháp trong bài thi nói của bạn cũng là một tiêu chí cần được quan tâm, vì nó vô cùng quan trọng. Cuốn sách này chia ra làm nhiều units với nhiều kiến thức về thì, giới từ và liên từ,… Sắp xếp bài học từ dễ đến khó, giúp quá trình tiếp thu bài học dễ dàng hơn và hiệu quả rõ hơn. Các dạng bài tập trong cuốn sách này vô cùng đa dạng, bạn sẽ làm bài tập liên quan đến những bài học trước và sau đó sẽ làm những dạng bài trong IELTS, điều này sẽ giúp bạn nhớ lâu hơn.
Cuốn English Collocations In Use (Advanced)
Collocation cũng là yếu tố quan trọng trong IELTS, đây là cuốn sách giúp bạn có thể hiểu các chức năng và nhiệm vụ của collocation. Sách được chia làm 60 units, mỗi bài học về collocation sẽ tương ứng với một units. Về cơ bản, những topic trong cuốn sách bao gồm: Work and Study, Leisure and Lifestyle, The modern world, People.
2. Website tham khảo
Bên cạnh việc học tập thông qua các tài liệu thì bạn nên tìm hiểu các website để có thể tham khảo được những thông tin hữu ích và hiệu quả để quá trình học được cải thiện. Dưới đây là các trang web/ kênh Youtube hỗ trợ quá trình tự học IELTS Speaking mà bạn nên tham khảo:
- http://conversationstarters.com
- https://www.ieltsspeaking.co.uk
- https://ieltsliz.com/ielts-speaking-free-lessons-essential-tips/
- https://www.ielts-simon.com/ielts-help-and-english-pr/ielts-speaking/
- https://ieltsonlinetests.com/vi
- Ted Talks
- …
10 lời khuyên để chuẩn bị cho phần IELTS Speaking
1. Không học thuộc câu trả lời
Đừng ghi nhớ câu trả lời, đặc biệt là trong part 1. Đây là một cuộc “phỏng vấn” chứ giám khảo sẽ không “trả bài” bạn vì như thế sẽ họ sẽ không đánh giá chính xác được kỹ năng sử dụng tiếng Anh của bạn. Giám khảo có thể biết liệu có phải là bạn đã “học vẹt” câu trả lời hay không và điều này có thể ảnh hưởng đến điểm số cuối cùng của bạn.
Vì thế, nếu bạn muốn học thuộc thì hãy chỉ học những từ khóa cho câu trả lời và sau đó thể hiện ý tưởng của mình một cách tự nhiên.
2. Từ vựng “đao to búa lớn” chưa chắc được điểm cao đâu nhé!
Đa số các thí sinh đều muốn gây ấn tượng với giám khảo bằng cách sử dụng những từ vựng hiếm và phức tạp trong bài thi Speaking của mình. Tuy nhiên bởi vì chúng đều là những từ vựng hiếm cho nên bạn cũng sẽ có khả năng mắc lỗi cao hơn do phát âm sai từ hoặc sử dụng chúng trong ngữ cảnh sai.
Do đó, hãy chỉ học một số từ vựng “khó” nhất định và chỉ sử dụng khi bạn đã hiểu rõ về chúng chứ đừng nên lạm dụng vì điều đó sẽ làm câu nói của bạn trở nên “màu mè” mất tự nhiên.
3. Sử dụng cấu trúc ngữ pháp đa dạng
Hãy cố gắng diễn đạt ý tưởng bằng cách sử dụng một loạt các cấu trúc ngữ pháp, cả phức tạp và đơn giản đan xen với nhau.
Việc sử dụng các cấu trúc khó như mệnh đề điều kiện, ngay cả khi mắc một số lỗi nho nhỏ thì giám khảo vẫn sẽ đánh giá bạn cao hơn những thí sinh chỉ sử dụng các câu ngắn và đơn giản.
Tuy nhiên, hãy nhớ sử dụng câu đơn giản khi cần thiết để cuộc đối thoại của mình tự nhiên hơn bạn nhé.
Bạn có thể tự luyện tập hoặc luyện cùng bạn bè bằng tiếng Anh. Điều quan trọng là ta sẽ phải nắm vững các thì từ cơ bản đến nâng cao để có thể sử dụng chúng chính xác.
4. Đừng lo lắng nhiều về cách phát âm của mình
Các thí sinh sẽ thường lầm rằng “chỉ khi nào phát âm như người bản ngữ thì mới được điểm cao”. Thực tế, trong bài thi IELTS Speaking, giám khảo sẽ đánh giá bạn dựa trên phát âm mà không cần bạn phải có giọng giống người bản ngữ.
Nếu bạn có thể giao tiếp tốt thì không có gì phải lo lắng. Nhưng hãy lưu ý những âm mà bạn gặp khó khăn khi nói và đảm bảo việc bạn có nhấn trọng âm và ngữ điệu.
Để có thể phát âm tốt, trong quá trình học từ vựng mới, bạn không chỉ cần học thuộc nghĩa mà còn nên luyện nghe cách người bản ngữ phát âm chúng.
Tham khảo: 10 lỗi phát âm dễ gây mất điểm – IELTS Speaking
5. Dừng lại một chút để suy nghĩ
Không có hại gì khi tạm dừng một chút để suy nghĩ về những gì cần nói cả, quan trọng là cách chúng ta thể hiện sự “tạm dừng” của mình như thế nào. Bạn có thể sử dụng các cụm từ sau để “câu giờ” như:
- That’s an interesting question.
- I have never thought about that, but…
- Let me see…
- That’s a good point.
- That’s a difficult question, but I’ll try and answer it…
- Well, some people say that is the case, however, I think…
- Let me think about that for a minute…
6. Tránh “ậm ừ” quá nhiều
Hãy tự tin lên và đừng “ậm ừ” nhiều quá, bởi điều đó sẽ thể hiện cho giám khảo thấy rằng bạn gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ để diễn giải ý tưởng. Tránh lạm dụng những từ như sau nhé:
- Like…
- Umm…
- Ahh…
- Ehh…
- Well…
- Yeah…
7. Mở rộng câu trả lời của bạn
Hãy trả lời đầy đủ các câu hỏi của giám khảo và mở rộng câu trả lời của bạn mà không đợi giám khảo gợi ý thêm. Câu trả lời quá ngắn sẽ cho giám khảo thấy rằng bạn không thể diễn giải chi tiết chủ đề.
Nếu giám khảo hỏi “Why?” nghĩa là họ đang nhắc bạn đưa ra lý do cho câu trả lời của mình và mở rộng đầy đủ hơn.
Tham khảo: Brainstorming – Động não trong phần thi IELTS Speaking
8. Đừng nói như máy nhé
Đôi khi lúc ta nói, nhất là lúc căng thẳng, ta vô thức tạo ra giọng nói không cảm xúc, đều đều như một cỗ máy. Điều này gây khó khăn hơn trong việc diễn đạt những gì bạn nói và khiến người nghe khó xác định được phần quan trọng trong thông điệp mà bạn muốn truyền đạt.
Hãy nhấn mạnh vào một số từ, câu nhất định, làm cho chất giọng của bạn trầm bổng để hấp dẫn người nghe – cụ thể là giám khảo. Việc này cũng sẽ làm tăng độ tự nhiên và sự tự tin trong việc nói tiếng Anh của bạn. Do đó, bạn hãy nhớ rằng:
- Đừng nói đều đều như máy
- Hãy nhấn âm ở những chỗ cần thiết
- Nếu được, hãy dùng một số ngôn ngữ hình thể để diễn đạt cho ý tưởng trong lúc nói
9. Lập kế hoạch học tập rõ ràng
Kế hoạch học tập rõ ràng, có mục tiêu nhất định sẽ hướng bạn đến thành công dễ dàng hơn là học tùy hứng hay chỉ học ở trường còn về nhà rồi quên.
Xác định rõ band điểm mình cần đạt, tập trung học phần mình còn yếu (dựa theo các tiêu chí chấm bài) và ôn luyện phần mình đã vững, kết hợp việc làm quen với đề thi sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Và cũng đừng quên duy trì thói quen sử dụng tiếng Anh hằng ngày nhé!
10. Luyện tập, luyện tập và luyện tập
Đúng, chỉ có bằng cách luyện tập thì chúng ta mới có thể tiến bộ. Đây là cách đơn giản nhưng hiệu quả nhất trong mọi cách học, không chỉ với IELTS Speaking.
Bài thi IELTS Speaking diễn ra như một cuộc phỏng vấn về các tình huống thực tế, hơn nữa câu hỏi trong bài là vô cùng đa dạng nên bạn sẽ không biết mình sẽ “bốc” trúng câu nào. Do đó, bạn không nên luyện tập bằng cách học thuộc và trả bài máy móc, mà hãy luyện tập bằng cách trò chuyện tự nhiên bằng tiếng Anh với người khác.
Có được người cùng bạn luyện tiếng Anh và nói về điều gì đó mà bạn quan tâm sẽ giúp bạn dễ dàng hơn nhiều và bạn ít cảm thấy nhàm chán hơn trong việc luyện tập.
Với 10 bí quyết trên đây, hy vọng bạn sẽ học và chuẩn bị tinh thần thi IELTS hiệu quả và chinh phục điểm số 7.0+ IELTS một cách thành công!
Hướng dẫn tự học IELTS Speaking 0-7.0
1. Giai đoạn khởi động: Mục tiêu 0 – 3.0
Thời gian: từ 2-3 tháng, mỗi ngày học từ 2-3 tiếng
Nội dung chính: Trong giai đoạn này, bạn chỉ nên tập trung ôn luyện ngữ pháp cơ bản, luyện phát âm để cải thiện trình độ tiếng Anh tổng thể trước, vì khi muốn nói được thì các bạn cần nắm được các ngữ pháp và từ vựng căn bản, nên tránh học lan man nhiều chủ điểm ngữ pháp không cần thiết và tốn thời gian.
Mục tiêu cần đạt:
Tiêu chí | Kiến thức cần nắm |
Grammar Range & Accuracy | Biết sử dụng các thì cơ bản. Nắm được cách chia động từ đúng theo chủ ngữ ở mức độ cơ bản. Dùng được câu bị động, câu điều kiện, so sánh, mệnh đề quan hệ ở mức cơ bản. |
Pronunciation | Nắm được các âm và đọc được từ phiên âm |
Lexical Resource | Biết cách dùng từ thể hiện được ý mình muốn nói, ở các chủ đề đơn giản thường gặp trong cuộc sống như bản thân, gia đình, bạn bè… |
Fluency & Coherence | Trả lời được các câu hỏi thuộc chủ đề đơn giản |
A. Grammar
Tài liệu: IELTS Language Practice
Nội dung:
Nội dung ôn tập | |
Các thì cơ bản | Ở giai đoạn đầu bạn chưa cần phải học các thì phức tạp vì chúng ít khi được dùng trong bài nói, và nếu có dùng nhưng lại sai thì sẽ bị mất điểm, vì thế các bạn chỉ cần tập trung vào những thì cơ bản, nắm được cách dùng và cấu trúc của các thì: Hiện tại đơn Quá khứ đơn Tương lai đơn Hiện tại tiếp diễn Hiện tại hoàn thành |
Quy tắc hòa hợp chủ ngữ – động từ ở mức độ cơ bản | Khi nói, các động từ trong câu luôn phải được chia số ít hay số nhiều theo chủ ngữ, đây cũng là một chủ điểm kiến thức căn bản trong tiếng Anh vì thế các bạn nên học các quy tắc hòa hợp chủ ngữ động từ ở mức độ cơ bản, tránh những trường hợp mắc phải những lỗi trầm trọng khi nói điều này sẽ bị trừ điểm rất lớn cho bài thi của bạn. Những trường hợp chia động từ số ít: Chủ ngữ là danh từ đếm được số ít (my mother is…) Danh từ không đếm được (The furniture was cheaper than we thought) Chủ ngữ chỉ một ngôn ngữ (Vietnamese is…) Chủ ngữ là cụm danh từ chỉ đo lường, kích thước, thời gian, số tiền… (Two pounds is …..) Những trường hợp chia động từ số nhiều: Chủ ngữ là danh từ đếm được số nhiều (my friends are…) Chủ ngữ là hai hoặc nhiều chủ ngữ được kết nối lại với nhau bởi and, both (Both of them are …) Chủ ngữ là cả một dân tộc (The Vietnamese are hard-working) |
Câu bị động | Ứng với việc học các thì, bạn cần học luôn cấu trúc câu bị động tương ứng với thì đó, bởi vì người nước ngoài thường hay sử dụng câu bị động thay cho câu chủ động. Ngoài ra, trong phần nói nếu dùng linh hoạt được câu chủ động và bị động xen kẽ nhau thì sẽ được điểm cao. Hãy học cấu trúc bị động của các thì cơ bản sau: hiện tại đơn, quá khứ đơn, tương lai đơn, hiện tại tiếp diễn, hiện tại hoàn thành. |
Câu điều kiện | Trong bài thi IELTS có rất nhiều câu hỏi cần sử dụng câu điều kiện để trả lời, ví dụ: – Do you think your hometown is a nice place to live in? – What could be done to get people to use public transport instead of personal cars? Để trả lời những câu hỏi này nhất định phải dùng câu điều kiện vì thế các bạn cần phải nắm được những cách dùng của những câu đó để làm cho câu trả lời đầy đủ ý. Đối với giai đoạn này, bạn cần phải nắm được cách sử dụng của câu điều kiện loại 1 và 2 nhé. |
Câu so sánh | Đây cũng là một chủ điểm ngữ pháp quan trọng, được dùng rất nhiều trong các bài thi IELTS Speaking chính vì vậy bạn cần học thật kỹ. Ở giai đoạn đầu bạn chỉ cần tập trung vào cấu trúc so sánh hơn và so sánh hơn nhất, còn cấu trúc so sánh bằng và kém phức tạp hơn bạn có thể học ở các giai đoạn sau. Cấu trúc câu so sánh hơn, so sánh hơn nhất với: – Tính từ ngắn, trạng từ ngắn theo quy tắc, không theo quy tắc – Tính từ dài, trạng từ dài |
Mệnh đề quan hệ | Mệnh đề quan hệ là mấu chốt để làm cho câu nói của bạn trở nên dài và tự nhiên hơn, thay vì dùng những câu đơn ngắn và thiếu tự nhiên. Vì lẽ đó, việc học kỹ các dạng của mệnh đề quan hệ là vô cùng cần thiết. Các bạn cần phải nắm được những đại từ quan hệ, các loại mệnh đề quan hệ và cách dùng mệnh đề quan hệ. |
B. Pronunciation (Phát âm)
Bạn cần phải học trước bảng phiên âm IPA
Tài liệu: Pronunciation Workshop hoặc Pronunciation in Use
Nội dung: Chắc chắn các bạn đều biết phát âm là nền tảng cho việc nói chuẩn và nghe tốt, chính vì vậy học phát âm là việc vô cùng quan trọng. Ở giai đoạn này các bạn cần học các phát âm thật chuẩn bảng ngữ âm.
Phương pháp học: Trước tiên, bạn học cách phát âm từng âm một, có thể luyện tập bằng cách đứng trước gương, ghi âm lại xem mình đã phát âm đúng chưa. Tập nói lại những gì mình đã nghe được thật nhiều lần. Dần dần bạn sẽ quen với việc nói tiếng Anh chuẩn chỉnh và trôi chảy.
C. Vocabulary (Từ vựng)
Tài liệu: Vocabulary in Use – Elementary. Sách này có cung cấp nhiều từ vựng hay. IELTS Fighter chia sẻ cho bạn trọn bộ Vocabulary in Use để sử dụng cho từng giai đoạn nhé!
Nội dung: Tuy rằng đây mới chỉ là giai đoạn đầu các bạn mới chỉ luyện ngữ pháp và phát âm nhưng cũng cần bắt đầu quen dần với từ vựng từ cơ bản để có thể nói được các câu đơn lẻ. Các chủ đề nên nắm như sau:
- People
- The world
- At home
- School & Workplace
- Leisure
- Social issues
- Technology
Cuối giai đoạn này, bạn cần bắt đầu tự trả lời một vài câu hỏi về các chủ đề đơn giản ở Part 1 và cố gắng dùng các mệnh đề quan hệ, câu bị động, các thì, từ vựng đã học.
Phương pháp học: Bạn có thể tìm partner hay thầy cô để tập luyện các câu hỏi đơn giản trong Part 1. Nếu bạn học một mình, hãy ghi âm sau đó chép ra những gì mình nói, đọc lại và sửa lại cho câu trả lời thật hoàn chỉnh, rồi ghi âm lại một lần nữa. Phương pháp này có thể sẽ gây chán nản, tốn thời gian trong thời gian đầu, nhưng lại vô cùng hiệu quả về lâu dài khi các bạn tự học IELTS.
2. Giai đoạn: Vượt chướng ngại vật – Mục tiêu 3.0 – 4.5
Thời gian học: 2,5 tháng, mỗi ngày 2 tiếng
Nội dung:
Đối với giai đoạn này, các bạn sẽ phải học thêm những chủ điểm ngữ pháp nâng cao hơn để có thể nói những câu dài và có nhiều ý hơn, bên cạnh đó bạn cần học các quy tắc về trọng âm, nối âm để phần nói được tự nhiên hơn. Đây là bước giúp bạn vừa học kiến thức mới và vừa ôn lại để dùng thành thạo những kiến thức cũ, chuẩn bị cho giai đoạn luyện thi tiếp theo.
Mục tiêu cần đạt:
Tiêu chí | Kiến thức cần nắm |
Grammar Range & Accuracy | Nắm được cấu trúc và cách sử dụng thì hiện tại hoàn thành tiếp diễn, tương lai tiếp diễn. Cách chia động từ theo chủ ngữ đối với những chủ ngữ phức tạp hơn. Dụng được câu bị động ở mức độ khó hơn, câu điều kiện loại 3, câu so sánh ngang bằng, mệnh đề quan hệ rút gọn. Dùng thành thạo và linh hoạt các thì đã học ở giai đoạn trước (đặc biệt là những thì hoàn thành). |
Pronunciation | Thành thạo các âm, nhìn phiên âm là biết cách đọc từ. Nắm được những quy tắc nhấn trọng âm. Biết nối âm. Bước đầu học ngữ điệu (intonation). |
Lexical Resource | Dùng được từ ngữ đúng theo chủ đề, các chủ đề hay gặp như holidays, weather, activities, sports, music, leisure, school & workplace… Dùng được các trạng từ một cách linh hoạt làm câu nói thêm sinh động. |
Fluency & Coherence | Có thể nói câu dài, dùng ngữ pháp đã học, biết sử dụng thêm một số từ nối khác nhau để làm bài nói tự nhiên hơn. |
A. Grammar
Tài liệu sử dụng:
- English grammar in use
- Cambridge Grammar for IELTS
Nội dung:
Nội dung ôn tập | |
Các thì | Sau khi nắm vững các cấu trúc và cách sử dụng của các thì ở giai đoạn trước thì bạn cần học thì hiện tại hoàn thành tiếp diễn và thì tương lai tiếp diễn (cấu trúc và cách dùng), cần nắm vững những kiến thức và áp dụng linh hoạt vào câu nói, đây là 2 thì tuy không được dùng quá nhiều trong bài nói IELTS nhưng đảm bảo chúng sẽ gây ấn tượng vô cùng tốt cho examiner. |
Hoà hợp chủ ngữ – động từ: | Trong giai đoạn trước các bạn đã học qua cách chia động từ theo chủ ngữ ở mức độ cơ bản, đến với giai đoạn này các bạn sẽ học các dạng chủ ngữ phức tạp hơn, chẳng hạn như “every student in that room…”, việc chia động từ chuẩn theo chủ ngữ là việc cực kỳ quan trọng. – Những chủ ngữ được nối với nhau bằng or, neither…nor, either…or, not only…. but also – Các chủ ngữ có every, many, each, … – Những đồng chủ ngữ nối với nhau bằng as well as, together with, no less than, along with, accompanied by – Chủ ngữ là none of, One of, any of, Every of, Each of, Either of – Chủ ngữ là a number, the number – Chủ ngữ là những danh từ tổng hợp, là tính từ dùng như một danh từ để chỉ một tập hợp. – Chủ ngữ giả. |
Câu bị động: | Giai đoạn này, bạn phải học cấu trúc và cách dùng của câu bị động của cả 2 thì mới học (hiện tại hoàn thành tiếp diễn và tương lai tiếp diễn) |
Câu điều kiện | Học cách cấu trúc và cách dùng của câu điều kiện loại 3 |
Câu so sánh ngang bằng và so sánh kém: | Học cách so sánh ngang bằng và so sánh kém, dùng as +adv/adj +as, not so/as +adv/adj +as |
Mệnh đề quan hệ rút gọn | Nếu như dùng cả mệnh đề quan hệ sẽ làm cho câu nói dài một cách dư thừa và trở nên cứng nhắc, vậy nên nắm được cách dùng mệnh đề quan hệ rút gọn sẽ giúp câu nói thên tự nhiên hơn. |
B. Pronunciation
Tài liệu: Pronunciation in Use
Nội dung:
Trọng âm: Các bạn nên tập trung học những phần trọng âm sau:
- Trọng âm của danh từ, động từ, tính từ 2 âm tiết
- Trọng âm của các từ tận cùng bằng các đuôi – ic, – ish, – ical, – sion, – tion, – ance, – ence, – idle, – ious, – iar, – ience, – id, – eous, – ian, – ity…
- Các từ có hậu tố: – ee, – eer, – ese, – ique, – esque, – ain
- Các từ có hậu tố: – ment, – ship, – ness, – er/ or, – hood, – ing, – en, – ful, – able, – ous, – less
- Các từ tận cùng – graphy, – ate, – gy, – cy, – ity, – phy, – al
- Trọng âm của danh từ ghép, tính từ ghép
- Nguyên tắc nối âm
Ngữ điệu
Ngữ điệu là một phần tương đối khó khi học tiếng Anh vì nó yêu cầu thời gian tập luyện nhiều, vì thế trong giai đoạn này bạn chỉ cần học bước đầu về ngữ điệu để làm quen, bạn sẽ học kĩ hơn ở giai đoạn sau.
Phương pháp: Để luyện ngữ điệu và trọng âm sao cho “tây” hơn, Vietop khuyên các bạn nên thường xuyên xem phim, youtube, TV show…, để luyện tập theo người bản xứ nhé.
C. Vocabulary
Tài liệu:
- Vocabulary in Use – Pre Intermediate & Intermediate
- Collins – Get ready for IELTS Speaking
Nội dung:
Sau khi hoàn thành xong những chủ điểm cơ bản, ta hãy nâng cấp vốn từ vựng của mình một chút nha. Ngoài ra bạn nên bắt đầu làm quen với Part 2 nữa nhé.
Phương pháp học: Với giai đoạn này, ta sẽ học thành hai chặng.
Chặng đầu tiên, bạn nên học theo cuốn sách Vocabulary in Use, sách được chia thành hai phần là: Sentence Structure & Topics, mỗi ngày bạn hãy học 1 bài trong phần Sentence Structure, và 1 bài trong phần Topics nhé:
Sentence Structure | Topics |
Word Formation Phrase Building Parts of Speech Connecting & Linking | People Daily life Work Leisure & Entertainment Tourism Communication & Technology |
Đến chặng thứ hai, chúng ta sẽ dần quen với format của đề thi IELTS Speaking Part 2 bằng cách học cuốn Collins – Get ready for IELTS Speaking. Qua đó, các bạn sẽ được làm quen với những dạng câu hỏi cơ bản của Part 2 trong sách, và hãy phân loại thành những câu hỏi thành các chủ đề lớn như:
- Person
- Events
- Things
- Favorites
Trong cuốn sách này các bạn sẽ chỉ tập trung học các phần Skills Development và Exam Practice để luyện kĩ năng thôi nhé.
3. Giai đoạn tăng tốc: Mục tiêu 4.5 – 5.5+
Thời gian học: 2,5 tháng, mỗi ngày 2-3 tiếng
Nội dung chính:
Giai đoạn này, ta sẽ xào lại phần kiến thức ở Part 1 & Part 2, ôn và củng cố lại ngữ pháp, cách phát âm cho chuẩn xác nhất. Ngoài ra, bạn cần phải bổ sung cho mình một lượng từ vựng nhất định, đặc biệt là học cách dùng các từ đồng nghĩa, cấu trúc biểu khác nhau để có thể ăn điểm tiêu chí ‘Lexical Resource’
Mục tiêu cần đạt:
Tiêu chí | Kiến thức cần nắm |
Grammar Range & Accuracy | Dùng ngữ pháp chính xác, có thể mắc một vài lỗi sai nhỏDùng thành thạo các câu đơn, có thể nói một vài câu ghép hay câu phức ở mức đơn giản. |
Pronunciation | Có thể phát âm rõ ràng và người nghe có thể hiểu đượcDùng trọng âm, ngữ điệu, nhưng có thể mắc một số lỗi nhỏ. |
Lexical Resource | Dùng từ vựng một cách linh hoạt để nói về các chủ đề quen thuộc và cả không quen thuộcNói được trong một khoảng thời gian tương đối dài, có thể hơi vấp một chút.Paraphrase được một câu hoàn chỉnh. |
Fluency & Coherence | Nói dài hơn, vẫn có trường hợp lặp từDùng một vài các từ nối một cách tự nhiên |
A. Nâng cấp từ vựng, ngữ pháp:
Tài liệu:
- 31 high-scoring formulas to answer the IELTS Speaking questions
- Collins – Speaking for IELTS
Nội dung:
Nếu bạn muốn đạt được số điểm cao trong IELTS, ngoài những việc có từ vựng cơ bản về từng chủ đề khác nhau, bạn nên biết cách paraphrase câu nói của mình, bằng cách sử dụng từ vựng và nhiều cách biểu đạt khác nhau để thể hiện sự linh hoạt trong ngôn ngữ của mình. Ngoài việc ôn tập lại Part 1 & Part 2, bạn cần làm quen dần với câu hỏi của Part 3.
Phương pháp học:
Đối với giai đoạn này ta cần tập trung luyện Part 1 & Part 2 cho thật nhuần nhuyễn. Bạn sẽ học cuốn Collins – Speaking for IELTS theo từng bài, follow và luyện thật chi tiết từng task trong bài. Qua đó, các bạn nên tham khảo thêm cuốn 31 high-scoring formulas to answer the IELTS Speaking questions.
Một phương pháp vô cùng hay giúp bạn có thể đối phó với tất cả đề IELTS Speaking, đó chính là phương pháp A.R.E.A:
- Answer – Trả lời
- Reason – Nguyên nhân
- Example – Ví dụ
- Alternatives – Ý kiến trái chiều
Khi ta brainstorm ý tưởng, hãy áp dụng phương pháp này để trả lời các câu hỏi. Đặc biệt trong Part 3, các giám khảo sẽ đánh giá khả năng trả lời các vấn đề trừu tượng của bạn, để trả lời thật “mượt” và ăn trọn điểm, bạn đừng ngại mà hãy áp dụng liền phương pháp siêu đẳng này nhé.
B. Luyện nói
Ta vẫn dùng tài liệu tương tự như các phần trên, sau đó áp dụng phương pháp nói, ghi âm, chép lại và sửa bạn nhé. Ngoài ra, bạn vẫn phải duy trì thói quen tiếp xúc với tiếng Anh hàng ngày để thật quen với ngữ điệu của người bản xứ.
Vietop English hy vọng những chia sẻ phương pháp học Speaking IELTS cho người mới bắt đầu sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về kỳ thi IELTS Speaking và có lộ trình học hiệu quả riêng cho mình nhé! Chúc bạn thành công!