Bài thi VSTEP (Vietnamese Standardized Test of English Proficiency) ngày càng trở thành một công cụ quan trọng trong việc đánh giá trình độ tiếng Anh của người học tại Việt Nam. Được thiết kế với mục tiêu chuẩn hóa và nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, VSTEP kiểm tra toàn diện các kỹ năng ngôn ngữ của thí sinh, bao gồm nghe, nói, đọc và viết.
Hiện nay, số lượng thí sinh dự thi VSTEP đang ngày một tăng lên, tuy nhiên, nhiều thí sinh vẫn chưa hiểu rõ cấu trúc của đề thi này. Bạn cần biết rằng, để đạt được kết quả cao trong bài thi này, việc hiểu rõ cấu trúc đề thi VSTEP là vô cùng quan trọng.
Vì thế, bài viết này mình sẽ cùng bạn phân tích chi tiết cấu trúc của bài thi VSTEP, giúp bạn tập trung ôn luyện các phần cần thiết, từ đó tự tin hơn trong quá trình chuẩn bị và thi cử.
Sau đây là sơ lược những thông tin được đề cập trong bài:
- Cấu trúc đề thi VSTEP.
- Cấu trúc bài thi Reading.
- Cấu trúc bài thi Writing.
- Cấu trúc bài thi Listening.
- Cấu trúc bài thi Speaking.
Nào! Cùng bắt đầu ngay nhé!
Nội dung quan trọng |
– Cấu trúc đề thi VSTEP (Bậc 3 – 5) bao gồm 4 kỹ năng: Nghe hiểu (Listening), đọc hiểu (Reading), viết (Writing) và nói (Speaking). – Kỹ năng nghe hiểu: 35 câu hỏi trắc nghiệm – 40 phút, gồm 3 dạng bài: Dạng bài Short announcements/ Instructions, dạng bài Conversations, dạng bài Talks/ Lectures. – Kỹ năng đọc hiểu: 40 câu hỏi trắc nghiệm – 60 phút, gồm câu hỏi dạng Main Idea Questions, câu hỏi dạng Words-in-context, câu hỏi dạng Inference Questions, câu hỏi dạng Text – Completion. – Kỹ năng viết: 2 bài viết – 60 phút, gồm 2 bài viết: Viết thư hoặc email và viết bài luận. – Kỹ năng nói: 3 phần – 60 phút, gồm 3 phần: Phần 1 là phần tương tác xã hội, phần 2 là phần thảo luận giải pháp, phần 3 là phần phát triển chủ đề. |
1. Cấu trúc đề thi VSTEP 4 kỹ năng
Trong kỳ thi VSTEP (Bậc 3 – 5), thí sinh cần chuẩn bị cho bốn kỹ năng chính nghe hiểu, đọc hiểu, viết và nói. Dưới đây là cấu trúc chi tiết của bài thi mà bạn cần xem qua.
- Kỹ năng nghe hiểu (Listening): Thí sinh có 40 phút để hoàn thành phần nghe, trong đó bao gồm 7 phút để chuyển câu trả lời vào phiếu trả lời. Phần này bao gồm 35 câu hỏi trắc nghiệm chia làm ba phần.
- Kỹ năng đọc hiểu (Reading): Phần đọc hiểu kéo dài 60 phút, với tổng cộng 40 câu hỏi từ 4 bài đọc. Thí sinh phải đọc và trả lời các câu hỏi liên quan đến mỗi đoạn văn. Độ khó của các bài đọc tương đương với trình độ bậc 3 – 5, với tổng số từ dao động từ 1.900 – 2.050 từ.
- Kỹ năng viết (Writing): Phần viết yêu cầu thí sinh hoàn thành hai bài viết trong thời gian 60 phút.
- Kỹ năng nói (Speaking): Bài thi nói kéo dài khoảng 12 phút, bao gồm ba phần thi khác nhau để đánh giá khả năng diễn đạt ngôn ngữ của thí sinh.
2. Cấu trúc bài thi VSTEP Reading
Để giúp thí sinh chuẩn bị tốt cho kỳ thi VSTEP, phần thi đọc hiểu (VSTEP Reading) được thiết kế nhằm đánh giá các kỹ năng đọc khác nhau của thí sinh từ cấp độ 3 đến cấp độ 5.
Các kỹ năng này bao gồm khả năng hiểu thông tin chi tiết, nắm bắt ý chính, nhận biết ý kiến và thái độ của tác giả, suy luận từ thông tin trong văn bản và đoán nghĩa của từ dựa vào ngữ cảnh.
Bài thi kéo dài 60 phút và bao gồm 4 bài đọc với tổng cộng 40 câu hỏi. Các văn bản trong bài thi có độ dài từ 1.900 đến 2.050 từ và đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau. Sau khi đọc xong, thí sinh sẽ trả lời các câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến nội dung của từng bài đọc.
2.1. Câu hỏi dạng Main Idea Questions
Loại câu hỏi này đòi hỏi người đọc phải tóm tắt nội dung sau khi đọc văn bản và xác định được luận điểm chính. Thông thường, mỗi bài đọc sẽ đi kèm với một câu hỏi về ý chính (Main Idea Question).
2.2. Câu hỏi dạng Words – in – context
Loại câu hỏi này yêu cầu người đọc tìm kiếm và hiểu chi tiết trong văn bản, nhằm kiểm tra vốn từ vựng hoặc khả năng hiểu từ trong ngữ cảnh cụ thể. Để trả lời đúng các câu hỏi Words – in – context, thí sinh cần xác định câu chứa từ vựng được đề cập và nhận diện ngữ cảnh trong bài để suy ra ý nghĩa của từ đó.
2.3. Câu hỏi dạng Inference Questions
Các câu hỏi thuộc dạng này được xem là khó trong phần thi đọc hiểu của VSTEP, vì chúng yêu cầu thí sinh phải sử dụng tư duy logic và kỹ năng suy luận. Mỗi bài đọc thường có từ 1 đến 3 câu hỏi dạng Inference Questions.
Để trả lời các câu hỏi này, thí sinh cần kết hợp nhiều kỹ năng đọc hiểu, như xác định ý nghĩa ẩn từ ngữ cảnh hoặc áp dụng phương pháp loại trừ.
2.4. Câu hỏi dạng Text – Completion
Cuối cùng, các câu hỏi này yêu cầu thí sinh xác định vị trí phù hợp để đặt một câu văn vào văn bản cho sẵn hoặc chọn câu văn thích hợp để hoàn thiện một đoạn văn. Thường sẽ có bốn vị trí được đánh dấu trong văn bản, tương ứng với bốn đáp án A, B, C, D, hoặc sẽ có bốn câu văn để hoàn thiện một đoạn.
Để trả lời đúng các câu hỏi Text – Completion, thí sinh cần nhận diện các dấu hiệu liên kết giữa các câu văn, chẳng hạn như từ nối hoặc sự liên kết về nội dung.
Xem thêm:
- Thông tin chứng chỉ Cambridge tiểu học bố mẹ cần biết
- Thang điểm VSTEP tổng quan chi tiết nhất bạn nên tham khảo
- TESOL là gì? Thông tin chi tiết về chứng chỉ TESOL bạn nên biết
- Thang điểm TOEFL chuẩn nhất cập nhập 2024
3. Cấu trúc bài thi VSTEP Listening
Theo như cấu trúc đề thi VSTEP thì bài thi VSTEP Listening được thiết kế để đánh giá các kỹ năng nghe khác nhau của thí sinh từ cấp độ 3 đến cấp độ 5. Nhiệm vụ của thí sinh là nghe và hiểu thông tin chi tiết, nắm bắt ý chính của thông điệp, hiểu ý kiến và mục đích của người nói, cũng như suy luận từ thông tin đã nghe.
Thời gian làm bài là 40 phút, với tổng cộng 35 câu hỏi trắc nghiệm được phân bố trong 3 phần khác nhau của bài thi. Thí sinh sẽ nghe các đoạn trao đổi ngắn, hướng dẫn, thông báo, hội thoại, bài nói chuyện và bài giảng, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm dựa trên thông tin đã nghe.
Dưới đây là nội dung chi tiết về từng loại bài trong phần nghe của VSTEP. Hãy cùng mình xem qua để hiểu rõ hơn về cấu trúc của bài thi.
3.1. Dạng bài Short announcements/ Instructions
Trong phần 1 của bài thi nghe sẽ có dạng bài Short announcements/ Instructions, thí sinh sẽ đối mặt với 8 thông báo hoặc hướng dẫn ngắn, tương ứng với 8 câu hỏi được ghi trên đề thi (mỗi câu hỏi có 4 lựa chọn: A, B, C, D).
Trước khi bắt đầu phát đoạn ghi âm, thí sinh sẽ được cung cấp 30 giây để đọc các câu hỏi từ 1 đến 8. Mỗi câu hỏi, tương ứng với một đoạn ghi âm, sẽ kéo dài khoảng từ 15 đến 20 giây, với khoảng thời gian cách nhau là 5 giây giữa các đoạn ghi âm. Các lựa chọn (A, B, C, D) cho các câu hỏi này thường sẽ ngắn gọn.
3.2. Dạng bài Conversations
Trong phần 2 của bài thi nghe, thí sinh sẽ nghe ba đoạn hội thoại, thường là giữa một người nam và một người nữ, kéo dài từ 1 đến 3 phút. Các cuộc trò chuyện này diễn ra trong bối cảnh hàng ngày, với nội dung xoay quanh cuộc sống của các người tham gia.
Mỗi đoạn hội thoại sẽ đi kèm với 4 câu hỏi (mỗi câu có 4 lựa chọn: A, B, C, D). Trước khi bắt đầu phát đoạn ghi âm, thí sinh sẽ được cung cấp 20 giây để đọc 4 câu hỏi và các lựa chọn. Sau khi kết thúc mỗi đoạn hội thoại, thí sinh cũng sẽ được cung cấp 20 giây trống để chuẩn bị cho đoạn hội thoại tiếp theo.
3.3. Dạng bài Talks/ Lectures
Loại bài này sẽ xuất hiện trong phần 3 của bài thi nghe, thí sinh sẽ nghe ba bài nói hoặc bài giảng kéo dài khoảng 3 phút mỗi bài. Mỗi bài sẽ đi kèm với 5 câu hỏi và thí sinh sẽ có 4 lựa chọn (A, B, C, D) cho mỗi câu hỏi.
Trải nghiệm ngay khóa học luyện thi Ielts để rèn luyện kỹ năng và nâng cao điểm số của bạn.
4. Cấu trúc bài thi VSTEP Writing
Bài thi VSTEP Writing được thiết kế để đánh giá khả năng viết tương tác và viết luận của thí sinh. Thí sinh sẽ có tổng cộng 60 phút để hoàn thành hai bài viết. Dưới đây là mô tả chi tiết về nhiệm vụ của từng bài thi trong cấu trúc đề thi VSTEP Writing:
- Bài viết đầu tiên yêu cầu thí sinh viết một bức thư hoặc một email, với độ dài khoảng 120 từ. Phần này đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá khả năng tương tác của thí sinh và chiếm 1/ 3 tổng số điểm của bài thi viết.
- Bài viết thứ hai yêu cầu thí sinh viết một bài luận với độ dài khoảng 250 từ, trên một chủ đề đã được cung cấp trước. Trong bài này, thí sinh cần phải sử dụng lý lẽ cẩn thận và cung cấp ví dụ cụ thể để hỗ trợ lập luận của mình. Phần này chiếm 2/ 3 tổng số điểm của bài thi viết.
Xem thêm:
- Cấu trúc đề thi SAT chi tiết và mới nhất 2024
- Cấu trúc đề thi TOEIC chi tiết chuẩn form 2024
- [Mới nhất] Cấu trúc đề thi IELTS và thời gian làm bài thi IELTS
- Cấu trúc đề thi PTE chi tiết mới nhất 2024
5. Cấu trúc bài thi VSTEP Speaking
Bài thi VSTEP Speaking được thiết kế để đánh giá các kỹ năng nói khác nhau của thí sinh, bao gồm tương tác, thảo luận và trình bày ý kiến về một vấn đề. Thời gian làm bài là 12 phút, trong đó bao gồm 3 phần thi cụ thể như sau:
- Phần 1: Là phần tương tác xã hội, trong đó thí sinh sẽ được hỏi và phải trả lời từ 3 đến 6 câu hỏi về 2 chủ đề khác nhau.
- Phần 2: Là phần thảo luận giải pháp, thí sinh sẽ được cung cấp một tình huống và ba giải pháp khác nhau. Sau đó, thí sinh sẽ phải đưa ra ý kiến về giải pháp tốt nhất trong ba giải pháp đó và phản biện lại hai giải pháp còn lại.
- Phần 3: Là phần phát triển chủ đề, thí sinh sẽ nói về một chủ đề được cung cấp trước. Thí sinh có thể sử dụng các ý tưởng đã được cung cấp hoặc tự phát triển ý tưởng của riêng mình. Phần cuối cùng này kết thúc bằng một số câu hỏi thảo luận giữa thí sinh và giám khảo về chủ đề đã được nói.
6. Kết luận
Trong bài viết này, chúng ta đã cùng nhau phân tích chi tiết cấu trúc đề thi VSTEP. Hiểu rõ về cấu trúc này sẽ giúp bạn xác định những phần mà bạn cần tập trung ôn luyện, từ đó tăng thêm sự tự tin khi chuẩn bị và tham gia vào kỳ thi.
Bạn cần hiểu rằng, việc đạt được chứng chỉ VSTEP không chỉ là một bằng chứng về khả năng sử dụng tiếng Anh mà còn là một cơ hội để mở ra nhiều cánh cửa cho tương lai và tự khẳng định bản thân trong quá trình học và làm việc của bạn.
Vì vậy, nếu có thể hãy bắt đầu ôn luyện chứng chỉ VSTEP ngay hôm nay. Trong quá trình tìm hiểu về chứng chỉ VSTEP, nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy để lại bình luận bên dưới bài viết này. Mình và đội ngũ giáo viên tại Vietop English luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn.