“Có thể xin giám khảo đổi câu hỏi trong IELTS Speaking không?” Đây là một trong những mối bận tâm lớn nhất của thí sinh khi tham dự kỳ thi IELTS, cụ thể là IELTS Speaking. Câu trả lời cho câu hỏi này đóng vai trò rất quan trọng giúp bạn chuẩn bị thi tốt nhất.
1. Có thể xin giám khảo đổi câu hỏi trong IELTS Speaking không?
Có thể xin giám khảo đổi câu hỏi trong IELTS Speaking không? Câu trả lời: không. Bạn không thể xin giám khảo đổi câu hỏi trong lúc thi IELTS Speaking. Nhưng có một số cách để giải quyết các câu hỏi khó. |
Bài thi IELTS Speaking được thiết kế để đánh giá khả năng nói tiếng Anh của bạn, bao gồm việc thử thách bạn bằng nhiều chủ đề và nhiều loại câu hỏi khác nhau.
Các giám khảo IELTS phải tuân theo một kịch bản câu hỏi để đảm bảo rằng các thí sinh có trải nghiệm thi công bằng và đánh giá được khả năng tiếng Anh của thí sinh một cách chính xác nhất.
Nếu bạn xin đổi câu hỏi, giám khảo sẽ giải thích cho bạn rằng họ không thể làm như vậy. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn “xui”, hết cách, hay phải chịu điểm thấp. Thực ra, bạn có một số lựa chọn để bạn giải quyết câu hỏi khó mà không cần phải đổi câu hỏi.
2. Nên làm gì khi bạn không hiểu câu hỏi?
Nếu bạn gặp một câu hỏi mà bạn thấy khó hiểu hay không biết trả lời, xin bạn đừng hoảng. Bạn có thể làm theo những cách sau:
2.1. Xin giám khảo lặp lại câu hỏi
Đôi khi, việc nghe lại câu hỏi một lần nữa có thể giúp bạn hiểu câu hỏi tốt hơn. Bạn có thể nói:
- “Could you please repeat the question?”
- “Sorry, could you say that again?”
Việc này sẽ không khiến bạn bị trừ điểm, và sẽ cho bạn một vài giây để suy nghĩ cách trả lời.
2.2. Xin giám khảo làm rõ câu hỏi
Nếu bạn không hiểu một từ hay cụm từ cụ thể, bạn có thể xin giám khảo làm rõ từ/ cụm từ đó. Bạn có thể nói như sau:
- “I’m sorry, what do you mean by [X]?”
- “Could you explain what you mean by that?”
Giám khảo có thể sẽ diễn đạt lại câu hỏi hoặc giải thích câu hỏi bằng câu từ dễ hiểu hơn, nhưng họ chắc chắn sẽ không trả lời giúp bạn, hay cho bạn gợi ý.
3. Chiến lược xử lý các chủ đề khó
Đôi khi bạn sẽ gặp các chủ đề mà bạn không biết, không quen, và việc này có thể làm cho bạn cảm thấy khó trả lời hoặc trả lời ngập ngừng. Dưới đây là những cách để giải quyết vấn đề này.
3.1. Đoán mò
Nếu bạn không biết về chủ đề, bạn hoàn toàn có thể đoán mò, dựa trên những kiến thức bạn có. Giám khảo không đánh giá kiến thức của bạn về chủ đề A B C, họ đánh giá khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của bạn. Bạn có thể nói như sau: “I’m not very familiar with that, but I think it might be…”
3.2. Nói thật lòng và đổi qua một chủ đề có liên quan.
Nếu bạn thực sự không biết gì về chủ đề được cho, bạn nên thú nhận việc đó một cách ngắn gọn, rồi trả lời cho một chủ đề có liên quan tới chủ đề gốc. Mình có ví dụ như sau:
- Câu hỏi: “What do you think about modern architecture?”
- => Trả lời: “I don’t know much about modern architecture, but I really enjoy seeing traditional buildings. For example, in my hometown, we have a lot of old temples that are beautiful and well-preserved.”
Bằng cách này, bạn vẫn đang thể hiện các kỹ năng ngôn ngữ của bạn mà không bị ngập ngừng, không có các khoảng lặng.
3.3. Câu giờ bằng các cụm filler.
Nếu bạn cần một ít thời gian để suy nghĩ, bạn có thể sử dụng các cụm sau:
- “That’s an interesting question…”
- “Let me think about that for a moment…”
Những câu/ cụm filler này sẽ cho bạn một khoảng dừng ngắn để bạn sắp xếp (hoặc nghĩ ra) ý tưởng.
Kết luận
Trong bài thi IELTS Speaking, bạn không thể xin giám khảo đổi câu hỏi, nhưng bạn có một số cách để xử lý các câu hỏi khó một cách gọn gàng, tự tin. Bằng cách giữ bình tĩnh, xin giám khảo làm rõ một yếu tố trong câu hỏi, và cố gắng hết mình, bạn vẫn có thể nói một cách trôi chảy và chính xác.
Bạn có thể đón đọc các bài viết thuộc chuyên mục Hỏi – Đáp để có thể biết thêm các kiến thức về IELTS và những kiến thức tiếng Anh khác.
Ngoài ra, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến IELTS Speaking hoặc IELTS nói chung, hãy điền vào form bên dưới. Đội ngũ biên tập viên của Vietop English sẽ phản hồi và hỗ trợ bạn nhanh nhất có thể!