Nội lực giống như một hạt giống, nó không thể tự nhiên phát triển trên mảnh đất khô cằn và thiếu dưỡng chất. Muốn khai phá sức mạnh tiềm ẩn bên trong, bạn phải “tưới tắm” và đặc biệt là nuôi dưỡng sự tự tin.
Năm 2020 là một năm kỳ lạ với tất cả chúng mình. Lại càng đặc biệt hơn với nghề giáo. Dịch ập tới, mình chứng kiến bao bạn bè xung quanh mình mất việc, nghỉ làm không lương nhiều tháng trời, có bạn về quê hẳn luôn trong những tháng COVID.
Nhưng mình may mắn là vẫn có công việc, vẫn có học viên, và cũng chẳng ngờ được đó lại là bạn học viên để lại trong mình nhiều kỷ niệm nhiều cảm xúc đến vậy. Năm mới lại nói chuyện năm cũ, nhưng nhiều khi chúng mình cũng cần nhìn lại để thấy được thương yêu, để thấy biết ơn và may mắn về những gì mình có đúng không?
Cuộc gặp gỡ qua lớp “khẩu trang”
Tháng 4/2020, vào cái thời điểm mà dịch bùng mạnh mẽ, những ngày lockdown mọi người ở nhà làm việc online, học sinh nghỉ học, bạn bè giáo viên bao người “thất dạy”; thì cơ duyên lại cho mình nhận được một case dạy 1 kèm 1 tại nhà của VIETOP.
Thu Trang là một học sinh khá đặc biệt, đầu vào 4.5, “trên giấy tờ” thì target của em là 5.5 sau 6 tháng. Tuy nhiên ngày đầu tiên đi dạy ba em đã “tâm sự mỏng” với mình rằng thật ra nói thế cho thấp để Trang bớt lo lắng thôi, vì tính em nhút nhát, chứ thực ra ba em muốn cho e học 2 tuần rồi đi thi thử xem được 5.0 chưa rồi 1 tháng cần 5.5 luôn để kịp cho em nộp hồ sơ xin đi du học Mỹ. Khỏi cần nói là mình “hết hồn” cỡ nào, chỉ biết hứa là sẽ cố gắng hết lòng giúp Trang để em có thể hoàn thiện hồ sơ đi du học.
Vì cô trò gặp nhau và học với nhau trong thời gian cách ly xã hội vì bùng dịch nên trong suốt thời gian đó Trang là người duy nhất mình gặp, lại gặp hầu như mỗi ngày luôn vì em gấp học để đi thi. Hơn nữa vì dịch nên mình phải đeo khẩu trang 100% trong khi dạy và cũng phải giữ khoảng cách với em luôn. Nghĩ lại thấy thật lạ kỳ.
Ấn tượng đầu tiên của mình về Trang là em rất nhút nhát, sống nội tâm và ít thích nói chuyện cùng người lạ. Và mãi đến sau này khi thân nhau nhiều hơn em cũng mới nói với mình rằng ấn tượng đầu tiên của em về mình đó là “cô này nói nhiều quá, thất ghét!”. Thời gian đầu học cùng em mình phải cố gắng nói chuyện hỏi han em rất nhiều để cô trò gần gũi hơn, để em mở lòng hơn với mình vì mình nghĩ chỉ có như vậy mới giúp người dạy hiểu rõ hơn về phong cách học, điểm mạnh và điểm yếu của học viên và từ đó giúp đỡ học viên của mình đạt được target như ý muốn.
Trang có nền khá ổn nên điểm nghe và đọc của em khá hơn hai kỹ năng viết và nói. Vì chưa được làm quen với format của kỳ thi IELTS bao giờ nên Trang chưa biết về cấu trúc bài viết, kỹ thuật đi bài, triển khai ý tưởng và cách sử dụng ngôn ngữ sao cho phù hợp. Thật may là Trang là người tiếp thu khá nhanh, cộng với việc ngày ngày hai cô trò đều gặp nhau và trở nên gần gũi hơn, việc học và dạy của Trang và mình giống như một niềm vui trong thời điểm cách ly xã hội đó.
Bài học không có trong giáo án
Những bài học về kỹ thuật trả lời câu hỏi trong phần Reading, kỹ năng take note trong phần Listening hay kỹ năng triển khai ý tưởng trong phần Writing em làm đều rất tốt. Hai cô trò chỉ vật lộn với nhau nhất đó là kỹ năng Speaking, vì đề nào Trang cũng than cô ơi con không có ý tưởng gì hết. Vì mới học lớp 8, lại ít bạn bè và không thích giao tiếp với mọi người nên kiến thức xã hội của Trang chưa có nhiều, vì vậy trong suốt quá trình học mình với em phải nói chuyện với nhau rất nhiều.
Mình nhớ có đề Speaking về 1 quảng cáo mà em thấy thú vị Trang còn nói là cô ơi em không bao giờ xem tivi hết em không biết quảng cáo nào cả. Thế là mình phải mở liền YOUTUBE cho em ấy xem một loạt những quảng cáo hài nhất mà mình biết. Mình tình cờ cho em xem một trong những quảng cáo ám ảnh tuổi thơ của bao người, “bay cao nào nhảy cao nào bay cao nào nhảy cao nào, nào nhảy cùng Zin Zin, zìn zínnnn”. Haha và cuối cùng nó lại thành bản nhạc yêu thích của em ý, tụi mình cười rất nhiều trong buổi học ngày hôm đó.
Sau hôm đó Trang còn cứ canh me nửa đêm gửi cho mình mấy clips Zỉn Zin em tìm được trên mạng, đến nỗi mình bị ám ảnh luôn. Giờ cứ nhắc tới Trang là mình lại nhớ tới cái quảng cáo “ám ảnh” này.
Nuôi dưỡng sự tự tin để đánh thức sức mạnh bên trong
Trang rất chăm chỉ, bài tập nào mình giao em cũng làm và đúng deadline, chưa bao giờ để mình phải nhắc nhở chuyện tự học. Thời gian trôi đi, mình dần coi Trang như em gái nhỏ trong nhà, thường xuyên nói chuyện với em, chat chit với em cả sau giờ học vì em không có nhiều bạn, ba mẹ lại bận công việc nên hầu như em chỉ dành thời gian một mình trong suốt mấy tháng liền cô trò học với nhau. Một điều mình luôn phải nhắc đi nhắc lại với Trang đó là “con giỏi mà Trang ơi, con làm được đó, con phải tin bản thân mình nhe” vì Trang hay tự ti về khả năng của mình.
Vì dịch nên kỳ thi của Trang bị huỷ và dời lịch nên sau hơn 1 tháng học chung với nhau em mới đi thi, khác với dự định ban đầu của phụ huynh. Nói là đi thi thử cho biết rồi học xong khoá học thi lại, ai dè Trang ẵm luôn một con điểm 7.0 OVERALL, với điểm SPEAKING 6.5 làm ba mẹ thầy cô ngỡ ngàng một phen. Sáng ngày em có điểm mình thấp thỏm không yên nhắn em từ sáng sớm. Tin nhắn có điểm tới là mình hú hét vì vui mừng hạnh phúc, em thực sự khiến mình tự hào!
Đây là REVIEW “có tâm” trên page Vietop:
“I have never imagined one day I’ll be writing this, but thanks to my amazing teacher Hà, I’m able to reach beyond the goal that I’ve ever dreamt of. My score at the start was only 4.5, at that time I thought that it’s not even possible for me to score a 5.5. Until I meet Ms. Hà, she isn’t like the other teacher of how I’ve imagined. She was way more fun to be with, the lessons have never become boring. The journey was long but interesting, she always encourages me to believe in myself. The day before the final test, I was very anxious and worried but Ms. Hà said that to believe in yourself and even if I receive the score that I was not hoping for, it’s ok. In the end, I scored a 7.0 and I didn’t even believe my eyes. Ms. Hà is more like a friend, the friend that supports every step you take and I can’t put it into words about how much I appreciate it. Once again, thanks for adventuring with me on this journey!“
Vì vượt target ngoạn mục nên ai ai cũng vui, ba mẹ em cảm ơn mình rối rít, em cuối cùng cũng đủ điểm để hoàn thành hồ sơ du học. Cũng vì thế nên khoảng thời gian sau khi có điểm không còn áp lực nữa nên em chỉ học nhẹ nhàng đủ để duy trì kiến thức. Cũng là lí do vì sao mình sẽ luôn mãi nhớ về cô học trò này. Thu Trang dần dẫn mình vào “thế giới riêng” của em. Là một người hướng nội và ghét giao tiếp với người ngoài, nên phần lớn thế giới của Trang là một thế giới đầy nghệ thuật, em chơi đàn, vẽ và thiết kế rất giỏi.
Một khi cho đi, chính là lúc được nhận lại
Đây là bức hình em vẽ mình trên máy, là món quà em tặng chia tay mình ngày cuối chúng mình học với nhau.
Nhờ Trang mà niềm đam mê nghệ thuật mình bỏ quên bao nhiêu năm lại trỗi dậy, em là người dạy cho mình những phím đàn piano đầu tiên trong đời, dù mình chỉ bập bẹ đồ rê mi.
Đây là bức hình ba Trang chụp lại lần đầu tiên chúng mình “đổi vai”:
Không chỉ vậy, mình cũng biết thêm nhiều về đồ hoạ, thiết kế, “cày” bộ anime đầu tiên trong đời cùng Trang, cùng rất rất nhiều điều khác mà cô trò mình đã chia sẻ và gắn kết với nhau trong suốt hơn 4 tháng học.
Vào ngày cuối cùng đi học, em đã nói rằng “You’re my most favourite teacher, please don’t forget me” (cô là người cô giáo em thích nhất, mong cô đừng quên em). Giây phút đó mình không kìm được lòng mà rơi nước mắt nhưng tất nhiên phải quay mặt đi vì sợ quê trước mặt học trò hehe.
Tất cả những tấm hình, những món quà hand-made, những dòng thư em viết lại cho mình, đến ngày hôm nay mình vẫn cất gọn gàng và giữ gìn cẩn thận.
Mình vẫn hay tự nói với bản thân rằng khi bước vào lớp học, mình chỉ là instructor (một người hướng dẫn) để giúp đỡ các bạn học tập tốt hơn, và vì sự học là cả đời, mình chỉ mong chút kiến thức và kinh nghiệm mình sẽ giúp các bạn tự tin hơn, có khả năng tự học hơn suốt sau này.
Đôi khi việc dạy không chỉ là “cho”, mà còn là “nhận”, rất nhiều. Với Thu Trang, mình nghĩ mình còn “nhận” được từ em nhiều hơn là những gì mình “cho”.
Mình vẫn luôn biết rằng, làm một giáo viên thì mình sẽ chẳng bao giờ đi mãi chung đường với học viên của mình được. Mình sẽ chỉ là một trong những giáo viên, ở lại trong đời học sinh mình một giai đoạn nào đó; đến, và rồi đi. Những kỷ niệm và niềm vui như thế này chính là thứ giữ mình lại với nghề giáo.
“When you learn, teach. When you get, give.”
Lần đầu tiên gặp đã ghét, ai dè lại thấy thương
Mãi khi sắp hết khoá học dịch mới tạm chìm xuống, lúc đấy mới được bỏ khẩu trang, cô trò mới nhìn rõ mặt nhau, ngại ngùng như lần đầu gặp :D.