Tăng band IELTS Writing từ 3.0 lên 5.0 là một hành trình đầy thử thách nhưng hoàn toàn khả thi. Nhiều thí sinh thường cảm thấy mất phương hướng, không biết bắt đầu từ đâu hoặc làm thế nào để cải thiện kỹ năng viết của bản thân.
Trong bài viết này, mình sẽ cung cấp cho bạn các mẹo và lộ trình chi tiết để không chỉ đạt được mục tiêu mà còn xây dựng sự tự tin trong quá trình học.
Cùng mình học bài thôi!
Nội dung quan trọng |
– Hiểu rõ tiêu chí band điểm: Band 3.0 thiếu rõ ràng, cấu trúc và ngữ pháp chính xác, trong khi Band 5.0 thể hiện sự hiểu biết cơ bản về nhiệm vụ nhưng vẫn cần cải thiện chi tiết, sự mạch lạc và vốn từ. – Tập trung vào 4 tiêu chí chấm điểm IELTS Writing: + Task Achievement: Hoàn thành nhiệm vụ. + Coherence and Cohesion: Mạch lạc và liên kết. + Lexical Resource: Vốn từ vựng. + Grammatical Range and Accuracy: Độ chính xác và sự đa dạng của ngữ pháp. – Nắm vững format bài thi: + Task 1: Tóm tắt dữ liệu, nêu các điểm nổi bật và so sánh mà không liệt kê chi tiết không cần thiết. + Task 2: Viết luận xã hội có cấu trúc, ưu tiên phần này vì nó chiếm 66% điểm Writing. – Tránh các sai lầm thường gặp: + Trả lời đúng và đủ yêu cầu của đề bài. + Không thêm các ý không liên quan. + Phát triển ý tưởng rõ ràng, có ví dụ minh họa phù hợp. – Xây dựng vốn từ vựng một cách có chiến lược: + Học từ vựng theo chủ đề. + Sử dụng từ đồng nghĩa cho các từ cơ bản như “good” (beneficial), “bad” (detrimental). + Luyện tập paraphrasing để diễn đạt cùng ý bằng các cách khác nhau. – Cải thiện ngữ pháp từng bước: + Đảm bảo chính xác với các câu đơn giản trước khi sử dụng câu phức. + Tập trung vào các thì phổ biến (hiện tại đơn, quá khứ đơn, tương lai đơn). + Thêm câu phức để thể hiện sự đa dạng về ngữ pháp. – Luyện tập thường xuyên: + Viết mỗi ngày để nâng cao kỹ năng. + Xem lại và sửa lỗi trong bài viết của bạn. +Tính giờ khi làm bài (20 phút cho Task 1, 40 phút cho Task 2) để quen với áp lực thời gian. |
1. Các tiêu chí về IELTS Writing ở band 3.0 và 5.0
Trước khi chúng ta bắt đầu việc luyện tập tăng band IELTS Writing, bạn sẽ cần phải biết rằng kỹ năng Writing của bạn đang ở đâu.
Để cải thiện từ band 3.0 lên 5.0 trong IELTS Writing, điều quan trọng là bạn phải hiểu rõ các tiêu chí chấm điểm của từng band. Bài thi IELTS Writing được chấm dựa trên bốn tiêu chí chính:
- Task Achievement (Hoàn thành nhiệm vụ),
- Coherence and Cohesion (Sự mạch lạc và liên kết),
- Lexical Resource (Vốn từ vựng),
- Grammatical Range and Accuracy (Ngữ pháp và độ chính xác).
Mỗi tiêu chí này đều có các yêu cầu cụ thể ở từng band điểm.
1.1. IELTS Writing band 3.0 là như thế nào?
Một bài viết IELTS band 3.0 sẽ có những đặc điểm như sau, được chia theo từng tiêu chí chấm điểm:
Task Achievement
Bài viết không trả lời đúng yêu cầu đề bài.
Ý tưởng mơ hồ, không rõ ràng hoặc không liên quan.
Ví dụ: Đề bài: “What are the advantages and disadvantages of online learning?” thì Band 3.0 có thể chỉ viết: “Online learning is good for people. It helps many students. But it is also bad sometimes.”
=> Luận điểm không cung cấp lý do cụ thể, không trả lời trực tiếp cho câu hỏi đề bài. Từ ngữ đơn giản, không giải thích chi tiết.
Coherence and Cohesion
Câu văn lộn xộn, không có cấu trúc rõ ràng.
Thiếu từ nối, ý tưởng không được liên kết với nhau.
Ví dụ: “Online learning is good for student. Classroom is bad. Students can learn by using computers.
=> Các câu văn không có sự liên kết giữa các ý, không mạch lạc.
Lexical Resource
Từ vựng rất hạn chế, lặp lại nhiều và không chính xác.
Ví dụ:
Lặp từ: “Online learning is good. Online learning helps students. Online learning is popular.”
Sử dụng từ sai: “Students can learn good.”
Grammatical Range and Accuracy
Bài viết có nhiều lỗi ngữ pháp cơ bản như: sai dạng của động từ, sai mạo từ, sai thì, sử dụng danh từ số ít/ nhiều sai, etc.
Bài viết sử dụng cấu trúc câu rất đơn giản và thường bị sai.
Ví dụ:
Câu sai: “Online class help student learn.”
Câu đúng: “Online classes help students learn.”
1.2. IELTS Writing band 5.0 là như thế nào
Khi đạt band 5.0, bài viết của bạn đã cải thiện đáng kể so với band 3.0. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục để đạt điểm cao hơn. Sau đây là những đặc điểm của một bài viết ở band 5.0:
Task Achievement
Bài viết trả lời đúng yêu cầu đề bài nhưng còn thiếu chiều sâu và chi tiết.
Ý tưởng đã có nhưng phát triển chưa đầy đủ.
Ví dụ: Với đề bài: “What are the advantages and disadvantages of online learning?” thì một ví dụ ngắn gọn ở band 5.0 là “”Online learning has many advantages. It helps students to save time because they do not need to travel to school. However, it also has disadvantages, like students feel lonely.”
=> Ví dụ trên đã trả lời được cho câu hỏi đề bài, nhưng ý của bài chưa được phát triển đầy đủ.
Coherence and Cohesion
Bài viết đã có cấu trúc cơ bản, như chia đoạn rõ ràng và sử dụng một số từ nối đơn giản nhưng vẫn còn hạn chế trong việc kết nối các ý lại với nhau.
Ví dụ: “Online learning is good for students. It saves time. But it has problems. Students feel lonely.”
=> Câu có sử dụng từ nối “but” để biểu thị mối quan hệ tương phản giữa các ý sau và ý trước đó, nhưng toàn bộ câu vẫn còn khá lủng củng.
Lexical Resource
Ở band 5.0, từ vựng đã đa dạng hơn so với band 3.0, nhưng vẫn lặp lại một số từ cơ bản. Một số từ được sử dụng chưa chính xác hoặc chưa thực sự phù hợp với ngữ cảnh.
Ví dụ: “Students feel bad when they study online.”
=> Câu sử dụng từ “bad” chưa phù hợp với ngữ cảnh.
Grammatical Range and Accuracy
Bài viết sử dụng đúng một số cấu trúc câu cơ bản nhưng còn có lỗi.
Người viết đã bắt đầu sử dụng câu phức, nhưng chưa thành thạo.
Ví dụ: “Although online learning is convenient, it can make students feel isolated.”
Mình tóm tắt lại sự khác biệt giữa IELTS Writing band 3.0 và band 5.0 ở bảng sau:
2. Các bước để bạn tăng band IELTS Writing từ 3.0 lên 5.0
Sau khi bạn đã biết như thế nào là IELTS Writing band 3.0 và band 5.0, hãy cùng mình tìm hiểu các bước để bạn có thể đi từ band 3.0 lên band 5.0 nha.
2.1. Bước 1: Hiểu được Format bài thi
Một trong những lý do khiến nhiều thí sinh mất điểm ở band thấp là không hiểu rõ yêu cầu của bài thi. Để vượt qua band 3.0, bạn cần nắm chắc hai phần:
Task 1: Viết báo cáo dữ liệu
Yêu cầu tóm tắt biểu đồ hoặc bảng số liệu (biểu đồ tròn, cột, đường, hoặc bản đồ).
Bạn cần miêu tả thông tin nổi bật, so sánh dữ liệu thay vì liệt kê từng chi tiết.
Ví dụ: Với biểu đồ miêu tả số lượng du khách đến các quốc gia, thay vì ghi chi tiết từng con số, bạn có thể viết:
“The number of tourists visiting Country A saw a sharp increase between 2010 and 2020, while Country B experienced a steady decline.”
Task 2: Viết một bài nghị luận xã hội
Đề thi thường xoay quanh các vấn đề xã hội như giáo dục, giao thông, môi trường, công nghệ.
Các dạng bài phổ biến gồm:
Nêu quan điểm (To what extent do you agree or disagree?).
So sánh hai mặt vấn đề (Discuss both views and give your opinion).
Nguyên nhân và hậu quả (Cause and effect).
…
Một lưu ý quan trọng: Task 2 chiếm 66% tổng điểm Writing, vì vậy hãy dành nhiều thời gian và công sức cho phần này.
2.2. Bước 2: Tập trung Task Achievement/ Response
Task Achievement yêu cầu bạn trả lời chính xác đề bài, không lạc đề, và phát triển ý tưởng đầy đủ. Đây là cách bạn có thể cải thiện:
Đọc đề kỹ: đảm bảo rằng bạn hiểu bạn phải viết cái gì
E.g. Nếu đề bài là “What are the causes and solutions to traffic congestion in urban areas?”, bạn cần trình bày cả nguyên nhân và giải pháp trong bài viết của bạn. Nếu bạn chỉ viết về một trong hai yếu tố trên, thì bài của bạn sẽ không được điểm cao cho tiêu chí này.
Không lạc đề: Tránh đưa vào bài những ý không liên quan tới chủ đề chính của bài
E.g. Nếu chủ đề của đề bài là giải pháp cho vấn đề kẹt xe thì bạn đừng viết về các giải pháp cho ô nhiễm môi trường
Phát triển ý tưởng rõ ràng: Mỗi luận điểm cần có ví dụ minh họa. Ví dụ:
Luận điểm: “Public transportation can alleviate traffic congestion.”
=> Ví dụ minh họa: “In Singapore, the well-developed MRT system significantly reduces the number of cars on the road.”
2.3. Bước 3: Làm cho cấu trúc bài viết rõ ràng hơn (tăng điểm Coherence and Cohesion)
Coherence and Cohesion là khả năng tổ chức bài viết sao cho mạch lạc và liên kết. Đây là một trong những tiêu chí dễ cải thiện nếu bạn làm theo các mẹo sau:
Làm dàn ý cho bài viết
Trước khi bạn bắt đầu đặt viết xuống (hoặc đặt tay lên bàn phím) và viết, thì bạn nên dành một ít thời gian tạo ra một dàn ý. Đây là một cách rất tốt để bạn có thể tổ chức các ý của bạn, biết được đoạn nào viết về ý gì, tránh trường hợp viết lan man. Mình có một dàn ý ví dụ cho dạng bài đưa ra quan điểm như sau:
- Mở bài: Paraphrase lại đề bài, đưa ra quan điểm
- Thân bài 1: Lý do hoặc ý chính thứ nhất, kèm theo ví dụ cụ thể.
- Thân bài 2: Lý do hoặc ý chính thứ hai, kèm theo ví dụ cụ thể.
- Kết bài: Tóm tắt các luận điểm chính và khẳng định lại quan điểm.
Sử dụng đa dạng từ nối hơn
Để được điểm cao hơn cho tiêu chí này, bạn nên sử dụng nhiều từ nối hơn, và bạn phải sử dụng chúng một cách hợp lý, để có thể kết nối các ý trong bài, làm cho bài viết trôi chảy hơn.
- Để thêm ý, bạn có thể sử dụng: “and”, “in addition to”, “moreover”, “furthermore”, etc.
- Để đưa ra ý tương phản với ý đã có trong bài, bạn có thể sử dụng: “but”, “however”, “although”, “on the other hand”, etc.
- Để đưa ra một kết luận ngắn trong thân bài, bạn có thể sử dụng: “therefore”, “as a result”, “consequently”, etc.
- Để đưa ra ví dụ minh họa, bạn có thể sử dụng: “for example”, “such as”, “to illustrate”, etc.
Chia đoạn văn một cách hợp lý
Khi viết bài, bạn nên tập thói quen chia bài thành các đoạn văn sao cho hợp lý. Mỗi đoạn trong bài của bạn chỉ nên tập trung vào một luận điểm duy nhất.
Ví dụ: Với đề bài “What are the causes and solutions to traffic congestion in urban areas?” thì bạn chia đoạn như sau là hợp lý:
- Thân bài 1: Trình bày nguyên nhân dẫn tới tắc nghẽn giao thông trong các khu vực đô thị và ví dụ minh họa.
- Thân bài 2: Trình bày giải pháp cho vấn đề tắc nghẽn giao thông và đưa ra ví dụ minh họa.
2.4. Bước 4: Nâng cao vốn từ vựng
Vốn từ vựng là điểm yếu của nhiều thí sinh band 3.0. Ngoài ra, giám khảo sử dụng tiêu chí Lexical Resource (vốn từ vựng) để đánh giá bài viết của bạn. Để cải thiện vấn đề này, bạn có thể:
Học từ vựng liên quan tới chủ đề
Thay vì bạn học từ vựng một cách lan man, không có hướng đi rõ ràng, gặp từ nào học từ đó, thì bạn nên chọn một chủ đề mà bạn hứng thú trước, rồi học các từ vựng tiếng Anh liên quan tới chủ đề đó
Ví dụ: Nếu bạn thích chủ đề môi trường, bạn có thể bắt đầu học các từ sau: pollution (sự ô nhiễm), recycling (việc tái chế), renewable energy (năng lượng có thể tái tạo), carbon footprint (dấu chân carbon), etc.
Tuy nhiên, nếu bạn chỉ học từ không thì khả năng cao bạn sẽ không nhớ lâu. Một cách tốt để nhớ từ vựng lâu dài là bạn sử dụng các từ này trong một câu. Bạn có thể sử dụng các từ trên để viết câu như sau:
Using renewable energy sources like solar panels can reduce our carbon footprint. |
Tránh lặp từ vựng cơ bản
Vấn đề lặp các từ vựng cơ bản như “good”, “bad”, “many”, etc. là một vấn đề thường gặp khi vốn từ vựng của bạn chưa được phát triển. Để giải quyết vấn đề này, bạn có thể học thêm và sử dụng các từ đồng nghĩa của những từ mà bạn đã biết. Ví dụ:
- Thay vì sử dụng “good”, thì bạn có thể sử dụng “beneficial”, “advantageous”, etc.
- Thay vì sử dụng “bad”, thì bạn có thể sử dụng “harmful”, “detrimental”, etc.
- Thay vì sử dụng “many”, thì bạn có thể sử dụng “numerous”, “a large number of”, etc.
Luyện tập paraphrasing
Paraphrasing là diễn đạt lại một ý bằng những câu từ, cấu trúc ngữ pháp khác, mà vẫn giữ nguyên ý ban đầu. Đây là kỹ năng quan trọng để bạn có thể tăng band điểm. Mình có một ví dụ của việc paraphrasing như sau:
E.g. “Many people believe that studying online is better than studying in a classroom.”
=> “It is believed that online education is more effective than traditional classes.”
2.5. Bước 5: Cải thiện ngữ pháp
Ngữ pháp là một trong những tiêu chí chấm điểm cho bài thi IELTS Writing (tiêu chí Grammatical Range & Accuracy). Việc cải thiện ngữ pháp là một bước quan trọng để bạn có thể tăng band điểm cho bài viết của bạn. Các mẹo cải thiện ngữ pháp bao gồm:
Sử dụng cấu trúc câu cơ bản chính xác
Trước khi bạn nghĩ tới việc sử dụng các cấu trúc ngữ pháp hiếm, phức tạp, thì bạn nên tập trung sử dụng các cấu trúc cơ bản một cách chính xác. Bạn cần phải chú ý không phạm các lỗi nhỏ như thì, động từ, danh từ số ít/ số nhiều, etc. Mình có ví dụ:
- Câu sai: “He don’t know the answer.”
- Câu đúng: “He doesn’t know the answer.”
Tập trung học các thì phổ biến
Các thì thường gặp phổ biến bao gồm:
- Hiện tại đơn: được sử dụng để miêu tả thực tế hoặc ý kiến
- Quá khứ đơn: được sử dụng để miêu tả sự kiện trong quá khứ
- Tương lai đơn: được sử dụng để đề xuất giải pháp.
Thử đưa các câu phức vào bài viết
Câu phức là câu có nhiều hơn một mệnh đề, nhằm truyền tải nhiều thông tin mà không cần phải sử dụng nhiều câu đơn. Câu phức xuất hiện khá phổ biến trong những bài IELTS Writing band điểm cao, vì nó thể hiện được khả năng và kiến thức ngữ pháp của người viết.
Bạn có thể thử kết hợp các câu đơn lại với nhau để tạo thành câu phức. Mình có ví dụ như sau:
Traffic congestion is a major issue. Traffic congestion can be resolved. The solution can be improving public transport systems.
=> Although traffic congestion is a major issue, it can be resolved through improved public transport systems.
2.6. Bước 6: Luyện tập thường xuyên
Sau khi bạn đã biết những bước trên, việc luyện tập hằng ngày là việc rất quan trọng và khá hiệu quả để tăng band. Bạn có thể sử dụng những mẹo sau:
Tập viết mỗi ngày
Bạn nên bắt đầu viết những đoạn văn ngắn với những chủ đề đơn giản để tránh cảm thấy ngộp và nản. Khi bạn đã bắt đầu quen, thì bạn sẽ tăng độ dài và độ phức tạp của bài viết của bạn.
Xem lại và sửa các lỗi sai có trong bài viết của bạn
Mỗi khi viết xong, bạn có thể nhờ thầy cô, hoặc bạn bè ở band cao hơn, hoặc công cụ AI để kiểm tra lại bài của bạn theo từng tiêu chí. Khi bạn đã biết các lỗi sai trong bài của bạn, hãy tập trung tìm cách sửa các lỗi này.
Trong trường hợp mà bạn không tìm được các nguồn góp ý như trên, thì bạn có thể tham khảo các bài viết ở band 5, và so sánh bài của bạn với các bài viết này. Mục đích là để bạn nhận biết được các điểm khác biệt giữa bài của bạn và bài của người khác, và hiểu biết cách người khác sử dụng từ vựng và cấu trúc sao cho bài của họ được band 5.0.
Viết bài có tính giờ
Khi bạn đã quen với việc viết bằng tiếng Anh, bạn có thể đặt đồng hồ tính giờ, và cố gắng hoàn thành bài viết của bạn trong khoảng thời gian đó với mục đích làm quen với áp lực thời gian.
IELTS khuyên rằng bạn nên dành 20 phút để làm Writing Task 1 và 40 phút để làm Writing Task 2.
Kết luận
Việc tăng band IELTS Writing từ 3.0 lên 5.0 không chỉ đơn giản là cải thiện kỹ năng viết mà còn là một hành trình phát triển bản thân. Với những mẹo trên đây, từ việc hiểu rõ format bài thi đến xây dựng vốn từ vựng và luyện tập hàng ngày, bạn hoàn toàn có thể làm được.
Điều quan trọng là bạn cố gắng không ngừng nghỉ, và luyện tập một cách đúng cách, có mục đích, là bạn sẽ đạt được IELTS Writing band 5.0 trong thời gian ngắn. Nếu bạn cảm thấy rằng bạn cần một người hướng dẫn, hãy tham khảo ngay các khóa học ở Vietop English, để được các thầy cô tận tình hướng dẫn và hỗ trợ nha!
Chúc bạn thành công!